Phát biểu tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam ngày 21/8, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết trong 3 tháng vừa qua, điện mặt trời áp mái bùng nổ với tổng công suất lưới lên mức 200 MW. Bởi vướng về cơ chế tài chính, đến trước 25/6, cơ bản điện mặt trời áp mái không phát triển. Sau khi Bộ Công Thương bãi bỏ quy định bù trừ sản lượng, áp dụng cơ chế 2 chiều, nhà đầu tư có quyền điện từ lưới điện và bán lại toàn bộ lượng sản xuất được cho EVN, điện mặt trời áp mái tăng trưởng ngoạn mục.
Ông Lâm khẳng định ngành điện ủng hộ duy trì giá thu mua điện mặt trời áp mái ở mức 9,35 cent/kWh đến năm 2021 với kỳ vọng cơ chế này sẽ giúp "bùng nổ" điện mặt trời áp mái. Lãnh đạo EVN thông tin, trước 30/6, giá 9,35 cent/kWh được tính chung cho cả điện mặt trời áp mái và lắp đặt tại các trang trại, nhà máy. Bộ Công Thương đang trình Chính phủ để đưa ra mức giá cho điện mặt trời áp mái với dự kiến giữ mức như hiện tại đến hết năm 2021.
Lắp đặt điện mặt trời áp mái. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
EVN kỳ vọng công suất điện mặt trời áp mái trên cả nước sẽ đạt 500 MW đến hết 31/12 và đạt 2.000 MW đến hết 2021. Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hết năm 2018 là 49.000 MW, điện mặt trời áp mái chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong khi theo lãnh đạo EVN, Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này.
Ông Lâm dẫn ví dụ, Thái Lan chỉ cho phép 9 dự án điện mặt trời nổi với 2.700 MW, không cho đặt các trạm điện mặt trời trên mặt đất nhưng đặt mục tiêu đến 10.000 MW điện mặt trời áp mái. "Đây là một hướng Việt Nam có thể suy nghĩ trong thời gian tới", lãnh đạo EVN nêu.
Theo ông Lâm, chi phí cho truyền tải, phân phối chiếm 30% trong cơ cấu giá thành điện. Vì vậy, điện mặt trời áp mái sản xuất và sử dụng tại chỗ sẽ giảm bớt được chi phí truyền tải, tăng hiệu suất sử dụng. Dẫn báo cáo của World Bank, ông chỉ ra tiềm năng lớn đối với các vùng tiêu thụ điện lớn: TP HCM ước tính có thể lắp đặt điện mặt trời áp mái với công suất khoảng 6.000 MW, ở Đà Nẵng là 1.000 MW.
Hiện nay, điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam với 38%, thủy điện ở mức 34%, năm 2018. Khi đó, điện gió, điện mặt trời chiếm chưa tới 1% trong hệ thống điện quốc gia. Năm 2019 đánh dấu sự bùng nổ của điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, công suất lắp đặt của cả 2 nguồn này là 4.542 MW, đạt 8,3% hệ thống điện toàn quốc. Điện mặt trời trang trại hiện đang gặp khó khi tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Tình trạng quá tải lưới điện diễn ra, nhiều dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất.
Theo ndh.vn