Việc điều chỉnh khung giá trung bình này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
"Khung giá bán lẻ điện bình quân" là mức sàn và trần để Chính phủ quy định "giá bán lẻ điện bình quân". Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.
"Giá bán lẻ điện bình quân" - một căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp - hiện vẫn là 1.864,44 đồng một kWh. Mức này áp dụng từ năm 2019 đến nay.
Bộ Công Thương vừa thúc giục EVN sớm quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, cũng như làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán. Trên các cơ sở này, Bộ Công Thương sẽ công bố kết quả kiểm tra chi phí và tính toán phương án giá điện năm nay.
Năm ngoái EVN ước tính đã lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng và mới đây đã đề xuất tăng giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương cho biết đang rà soát và sẽ có lộ trình tăng hợp lý.
Tại một hội nghị cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giá điện Việt Nam không thể như các nước phát triển, và lưu ý Bộ Công Thương tính toán kỹ để dung hòa các mục tiêu, bởi tăng giá điện quá cao với thu nhập sẽ khiến "người dân, doanh nghiệp không chịu được".
Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng một kWh (tương đương 0,08 USD/kWh). Theo Globalpetrolprices, mức này hiện thấp hơn 50% so với Philippines - nước có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kWh); thấp hơn Indonesia (2.310 đồng một kWh), Thái Lan (3.273 đồng một kWh)... và hầu hết các nước phát triển khác.
Ngược lại, giá điện bình quân của Việt Nam cao hơn Lào (quốc gia có tới 70% thuỷ điện giá rẻ), một số quốc gia như Nga, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ...
- Theo nguồn: Báo điện tử VNEXPRESS